Vào ngày 10 tháng 5 năm 1948, cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc đã diễn ra ở phía Nam bán đảo Triều Tiên dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc (LHQ) để bầu ra 198 thành viên Quốc hội. Hiến pháp đã được ban hành vào ngày 17 tháng 7 cùng năm, Rhee Syng Man được bầu làm tổng thống đầu tiên và Lee Si Young làm phó tổng thống vào ngày 20 tháng 7. Vào ngày 15 tháng 8, Hàn Quốc, một quốc gia dân chủ tự do kế thừa hệ thống pháp luật của Chính phủ lâm thời Hàn Quốc, đã ra đời. Tổng thống và phó tổng thống là những những người đấu tranh giành độc lập được người dân Hàn Quốc kính trọng nhất trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ. Liên Hợp Quốc đã công nhận Hàn Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Mặt khác, ở phía Bắc bán đảo Triều Tiên, nơi cuộc tổng tuyển cử dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc đã không thực hiện được do sự phản đối của Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, nhà nước theo chế độ chủ nghĩa cộng sản đã ra đời vào ngày 9 tháng 9 năm 1948 và Kim Il Sung, một sĩ quan quân đội Liên Xô đã trở thành nhà lãnh đạo đứng đầu. Trong sự đối lập giữa quốc gia dân chủ tự do ở miền Nam và chế độ độc tài cộng sản ở miền Bắc, chính quyền của Tổng thống Rhee Syng Man phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ bao gồm thiết lập trật tự trong nước, xoá bỏ tàn dư của chế độ thực dân Nhật Bản và khắc phục những mâu thuẫn giữa cánh tả và cánh hữu.
Ngày 25 tháng 6 năm 1950, quân đội Triều Tiên được trang bị xe tăng và máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất đã tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào miền Nam nhằm xâm chiếm toàn bộ Bán đảo Triều Tiên. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc coi cuộc xâm lược của Triều Tiên là bất hợp pháp và đã phái lực lượng Liên Hợp Quốc, bao gồm cả quân đội Mĩ để ngăn chặn hành động này. Khi quân đội Triều Tiên rút lui, quân đội Trung Quốc can thiệp khiến cuộc chiến khốc liệt giữa hai bên tiếp tục diễn ra. Tổng thống Rhee Syng Man đóng vai trò quyết định trong việc ngăn ngừa việc mở rộng tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản tại Hàn Quốc thông qua các nỗ lực ngoại giao và đoàn kết công tư. Ông phản đối mạnh mẽ việc ký kết Hiệp định đình chiếnngày 27 tháng 7 năm 1953 và đòi Bắc tiến nhưng không thành.
Bi kịch đồng tộc tương tàn do những người theo Chủ nghĩa cộng sản khởi xướng kéo dài ba năm đã gây ra thiệt hại to lớn cho cả cho cả hai miền Nam và Bắc. Hàng triệu binh lính và người dân thiệt mạng, các cơ sở hạ tầng công nghiệp bị phá hủy, Hàn Quốc trở thành quốc gia nghèo nhất thế giới. Mặc dù bị tàn phá về vật chất, Hàn Quốc đã có được tài sản tinh thần quý giá thông qua chiến tranh. Đó chính là giá trị của sự tự do. Sức mạnh của sự tự do đã thúc đẩy tinh thần yêu nước của thanh niên, sinh viên và binh lính trẻ, trở thành động lực và nền tảng để hiện đại hoá xã hội Hàn Quốc.
Khi Tổng thống Rhee Syng Man tăng cường sự thống trị độc tài và đảng cầm quyền là Đảng Tự do gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống năm 1960, cuộc Cách mạng 19 tháng 4 đã nổ ra nhằm phản đối tình hình này. Cuộc Cách mạng 19 tháng 4 khiến Tổng thống Rhee Syng Man buộc phải từ chức và sang Mỹ sống lưu vong. Sau đó, Hiến pháp đã được sửa đổi với cấu trúc quyền lực gồm chính thể cộng hoà đại nghị và quốc hội lưỡng viện. Chính quyền mới của Đảng Dân Chủ được ra đời nhưng tình trạng xã hội vẫn vô cùng bất ổn do xung đột chính trị và các cuộc biểu tình của sinh viên,...
Ngày 16 tháng 5 năm 1961, một nhóm sĩ quan trẻ dưới sự lãnh đạo của thiếu tướng Park Chung Hee đã tiến hành đảo chính quân sự và lên nắm quyền. Sau hơn 2 năm duy trì chính quyền quân sự, trong cuộc bầu cử ngày 15 tháng 10 năm 1963, ứng viên Park Chung Hee đã đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống và lên nhậm chức vào ngày 17 tháng 12 năm đó. Chính phủ Park Chung Hee đã lập kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm với khẩu hiệu "hiện đại hóa đất nước" và xây dựng nền tảng tăng trưởng cao bằng chính sách xuất khẩu, tạo nên "Kỳ tích sông Hàn". Chính phủ chính thức tiến hành phát triển đất đai như xây dựng đường cao tốc Gyeongbu, tàu điện ngầm đô thị, triển khai phong trào nông thôn mới Saemaeul, biến Hàn Quốc từ một xã hội nông nghiệp nghèo nàn thành quốc gia công nghiệp hiện đại.
Kể từ khi thành lập chính phủ vào năm 1948, Hàn Quốc, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đã phát triển thành một quốc gia dân chủ tự do mẫu mực, một cường quốc kinh tế, có thể gọi đây là một kỳ tích trong lịch sử nhân loại.
Dù Hiến pháp Duy Tân được thực hiện từ tháng 10 năm 1972 nhưng phong trào dân chủ vẫn được tiếp diễn. Khi thảm kịch ám sát Tổng thống xảy ra vào ngày 26 tháng 10 năm 1979, phe quân sự mới do Thiếu tướng Chun Doo Hwan lãnh đạo đã nắm quyền lực quân sự. Chính phủ quân quản mới đã dùng vũ lực đàn áp các phong trào dân chủ hoá, điển hình là phong trào dân chủ hóa ngày 18/5. Quân đội mới đã bổ nhiệm Chun Doo Hwan làm tổng thống và thiết lập chế độ độc tài. Chính quyền Chun Doo Hwan tập trung vào ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát. Dưới sự lãnh đạo của ông, quốc gia đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ngày 29 tháng 6 năm 1987, Chủ tịch Đảng cầm quyền Roh Tae Woo đã đưa ra thông báo đặc biệt tập trung vào việc dân chủ hóa và cơ chế bầu cử tổng thống trực tiếp. Vào ngày 16 tháng 12 năm đó, ông đã trúng cử tổng thống nhiệm kỳ 5 năm theo chế độ đơn nhiệm và nhậm chức vào ngày 25 tháng 2 năm 1988. Chính quyền Roh Tae Woo đã thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước cộng sản, gồm Liên bang Xô Viết, Trung Quốc và các nước ở Đông Âu. Trong nhiệm kỳ của tổng thống Roh Tae Woo, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đã đồng thời gia nhập Liên Hợp Quốc vào ngày 17 tháng 9 năm 1991.
Tổng thống Kim Young Sam lên nắm quyền năm 1993, đã nỗ lực loại bỏ nạn tham nhũng bằng cách thực hiện kê khai tài sản của công chức chính phủ và chế độ khai báo danh tính thực trong giao dịch tài chính. Tính minh bạch của xã hội đã được nâng cao lên một bậc. Cùng với đó, hệ thống tự trị địa phương đã được thực hiện toàn diện và mở ra nền tảng cho sự phân quyền địa phương. Tổng thống Kim Dae Jung lên nắm quyền vào năm 1998, đã khắc phục thành công cuộc khủng hoảng tiền tệ và tiến hành phát triển song song dân chủ và kinh tế thị trường. Đặc biệt, trong mối quan hệ liên Triều, ông đã đề ra "Chính sách Ánh Dương", tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 15 tháng 6 năm 2000 và đưa Tuyên bố chung hai miền đi vào thực thi. Sau đó, một loạt các cơ chế hoà giải và hợp tác được thiết lập như đẩy mạnh giao lưu, bao gồm đoàn tụ các gia đình ly tán, kết nối tuyến đường sắt Gyeongui và Donghae, đẩy mạnh hoạt động của các phong trào thống nhất tư nhân, mở rộng hợp tác kinh tế liên Triều như khai thác du lịch núi Geumgang…
Tổng thống Roh Moo Hyun lên nắm quyền năm 2003, đã tập trung vào ba mục tiêu quốc gia gồm thực hiện chế độ dân chủ với sự tham gia của người dân, xây dựng xã hội phát triển cân bằng và thiết lập hòa bình và thịnh vượng khu vực Đông Bắc Á. Ông tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai vào ngày 4 tháng 10 năm 2007, ký Hiệp định Thương mại tự do Hàn - Mỹ và nhận được nhiều đánh giá tích cực.
Chính quyền Lee Myung Bak lên nắm quyền vào năm 2008, đã thiết lập năm chỉ tiêu quốc gia cho từng ngành nhằm xây dựng thể chế phát triển mới của "Năm đầu tiên hướng tới nước tiên tiến" dựa trên sự thay đổi và tính thực tiễn. Hướng tới một chính phủ phục vụ nhân dân, tinh giản và tổ chức lại bộ máy chính phủ, cổ phần hoá và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, cải cách các quy định hành chính. Đồng thời, hướng tới một Hàn Quốc hội nhập quốc tế thông qua các cơ chế như Liên minh Hàn - Mỹ sáng tạo của thế kỷ 21, Cộng đồng Kinh tế Bán đảo Triều Tiên…
Tháng 12 năm 2012, khi nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc đắc cử, chính quyền Park Geun Hye đã đưa ra chỉ tiêu của thời đại mới gọi là "hạnh phúc của người dân và sự phát triển của quốc gia". Tổng thống Park Geun Hye cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện một nền kinh tế sáng tạo, và giải thích rằng "các trục chính của việc hiện thực hóa nền kinh tế sáng tạo là khoa học, công nghệ và công nghệ thông tin – truyền thông".
Ra mắt vào tháng 5 năm 2017, chính quyền Moon Jae In đã đưa ra 4 tầm nhìn chính sách bao gồm "xây dựng Hàn Quốc do nhân dân làm chủ bằng việc hoàn thành cuộc cách mạng ánh nến", "Hàn Quốc cùng nhau phát triển", "Hàn Quốc an toàn trên bán đảo Triểu Tiên hòa bình" và "Hàn Quốc đầy sức sống với một xã hội bền vững".
Chính phủ Yoon Suk Yeol được thành lập vào năm 2022, đặt mục tiêu "Đại Hàn Dân Quốc phát triển nhảy vọt, một đất nước thịnh vượng cho mọi người dân" làm tầm nhìn quốc gia và công bố 6 mục tiêu quốc gia lớn, 23 điều cam kết và 120 nhiệm vụ quốc gia. Để hiện thực hóa các mục tiêu của chính phủ, Tổng thống chủ trương tập trung vào việc bãi bỏ chính sách xoá bỏ điện hạt nhân, đổi mới các cơ quan công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế do khối tư nhân đóng vai trò chủ đạo, ổn định nền tảng tài chính lành mạnh, củng cố vị thế của K-contents, vươn lên trở thành một cường quốc vũ trụ, và hỗ trợ theo mô hình phù hợp dành cho thanh thiếu niên,...