Hàn Quốc đang tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới dựa trên chủ nghĩa hòa bình quốc tế. Tính đến tháng 6 năm 2020, Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tổng cộng 191 quốc gia, trong đó mở Đại sứ quán thường trú tại 115 quốc gia, 46 Tổng lãnh sự quán thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lãnh sự của các khu vực tại các nước có đặt Đại sứ quán và 5 văn phòng đại diện thực hiện các nhiệm vụ của các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, thông qua hoạt động của 42 trung tâm văn hóa và cơ quan quảng bá văn hóa tại 32 quốc gia, văn hóa Hàn Quốc đang được quảng bá rộng rãi tới thế giới.
Hàn Quốc cũng tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, tương xứng với vị thế quốc gia ngày càng tăng. Cụ thể, Hàn Quốc là thành viên của các tổ chức quốc tế quan trọng như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Hàn Quốc đã gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1991 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một nhóm các nước phát triển vào năm 1996. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã gia nhập Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vào năm 1947 và hoạt động với tư cách là một thành viên chính thức.
Hàn Quốc cũng đã đạt được kết quả đáng chú ý trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. Hàn Quốc đang nỗ lực thực hiện trách nhiệm của quốc gia khi vị thế Hàn Quốc trên thế giới đã được nâng cao cùng với tăng trưởng kinh tế. Hàn Quốc cũng tham gia hỗ trợ các quốc gia nghèo thông qua các hoạt động trong Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Đặc biệt trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã mở rộng phạm vi, đa dạng hóa các nỗ lực bảo vệ môi trường chống lại sự nóng lên toàn cầu, bảo vệ hòa bình thế giới và ổn định kinh tế toàn cầu.
Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu đáng chú ý trong lĩnh vực tăng trưởng xanh toàn cầu và vị thế của đất nước trên trường quốc tế đã được nâng cao hơn nữa. Hàn Quốc đang thu hút Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), một tổ chức tài chính quốc tế trong lĩnh vực môi trường hỗ trợ các nước đang phát triển giảm khí thải nhà kính và thích nghi với biến đổi khí hậu. Trụ sở của Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) cũng được đặt tại Seoul.
Hỗ trợ các nước đang phát triển
Vào tháng 11 năm 2011, Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ, hội nghị quốc tế lớn nhất trong lĩnh vực hợp tác phát triển đã được tổ chức tại Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc. Đó là một hội nghị kể lại câu chuyện thành công của Hàn Quốc, quốc gia đã biến mình từ đất nước nghèo nhất thế giới thành một quốc gia đóng góp viện trợ cho các quốc gia đang phát triển khác chỉ trong vòng nửa thế kỷ.
Trong số các hoạt động viện trợ của Hàn Quốc, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) là nơi có những hoạt động tích cực nổi trội. Kể từ khi thành lập năm 1991, KOICA đã góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức về Hàn Quốc trong cộng đồng quốc tế thông qua các dự án hỗ trợ cho các nước đang phát triển.
KOICA hỗ trợ 400 - 500 triệu đô la viện trợ không hoàn lại mỗi năm cho các nước đang phát triển ở khu vực châu Á và châu Phi trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, hành chính công và năng lượng công nghiệp.
Hàn Quốc cũng cử lực lượng quân đội đến các khu vực tranh chấp như một phần của hoạt động gìn giữ hòa bình (Peace Keeping Operation) của Liên Hợp Quốc để hỗ trợ trong các lĩnh vực như duy trì an ninh, phục hồi chức năng và hỗ trợ y tế. Quân đội Hàn Quốc đang tham gia 7 phái đoàn PKO của Liên Hợp Quốc ở Lebanon, Nam Sudan, Ấn Độ, Pakistan, Tây Sahara.