Giới thiệu về Hàn Quốc

KOREAN CULTURAL CENTER

  • Giới thiệu về Hàn Quốc
  • Xã hội
  • Ẩm thực Hàn Quốc
Hàn Quốc đã phát triển một nền văn hóa ẩm thực đa dạng và độc đáo dựa trên môi trường tự nhiên gồm núi, đồng bằng và biển. Ẩm thực Hàn Quốc phân biệt rõ ràng giữa món chính (cơm, mì) và các món ăn phụ (banchan). Phương pháp chế biến đồ ăn đa dạng, kết hợp hài hoà thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật. Người Hàn Quốc cũng đã dày công trong một thời gian dài để tạo ra một nét ẩm thực độc đáo đến từ các món ăn được lên men kỹ càng, cẩn thận. Hơn nữa, ẩm thực Hàn Quốc còn chứa đựng triết lý "y thực đồng nguyên", theo đó, người Hàn Quốc cho rằng thức ăn cũng chính là thuốc chữa bệnh.

Được biết đến với hương vị thơm ngon và tốt cho sức khỏe, cơn sốt K-Food gần đây đã lan rộng khắp thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã giới thiệu rằng ẩm thực Hàn Quốc là mô hình ẩm thực tuyệt vời, cân bằng hợp lý về dinh dưỡng. Nhiều kết quả nghiên cứu được công bố cho thấy ẩm thực Hàn Quốc có tác dụng ngăn ngừa béo phì và chống ung thư.

Doenjang (tương đậu nành), Ganjang (nước tương), và Gochujang (tương ớt)

Doenjang (tương đậu nành), Ganjang (nước tương), Gochujang (tương ớt) là những gia vị cơ bản nhất trong ẩm thực Hàn Quốc đồng thời đại diện cho nhóm thực phẩm lên men. Trong đó, Doenjang và Ganjang được chế biến dựa trên nguyên liệu cơ bản là Meju (bã đậu tương lên men khô). Meju được làm bằng cách luộc đậu chín, nghiền nát đậu, nặn thành các miếng to cỡ viên gạch, để khô cho lên men rồi xếp vào vại ngâm trong nước muối từ 2 đến 3 tháng, để tạo thành tương (phần cái) và nước tương (phần nước). Đặc trưng chính của nó là mùi thơm và vị mặn.

Gochujang (tương ớt) là gia vị được chế biến bằng cách lên men tinh bột (bột gạo, bột lúa mạch) trong nước mạch nha có muối rồi cho thêm bột ớt đỏ và bột đậu tương vào. Người Hàn Quốc thích ăn cay nên thường thêm Gochujang vào các món khi ăn.

Jangdokdae(Soy Jar Terrace)

Jangdokdae (góc sân để chum vại)
Đây là nơi bảo quản những chiếc vại gốm đựng nguyên liệu cơ bản dùng trong các món ăn như nước tương, tương đậu nành, tương ớt, mắm tép. Vại gốm có khả năng thoáng khí tốt nên rất thích hợp cho việc bảo quản các loại thực phẩm lên men. Jangdokdae lý tưởng là nơi thoáng gió và nhận được nhiều ánh nắng mặt trời.



Doenjang Jjigae

Doenjangjjigae (canh đậu tương)
Đây là món canh hầm được nấu bằng cách hòa tan đậu tương trong nước dùng sau đó đun sôi và thêm các nguyên liệu khác nhau như thịt, cá, sò, rau, đậu phụ và nấm đồng thời là một trong những món ăn tiêu biểu của Hàn Quốc.



Kimchi

Kimchi là một món phụ tiêu biểu luôn có trên mâm cơm của người Hàn Quốc. Kimchi được chế biến bằng cách trộn những nguyên liệu như cải thảo ngâm nước, củ cải với các loại gia vị như bột ớt, hành, tỏi, mắm tép rồi lên men. Không chỉ có hơn một trăm loại Kimchi với các nguyên liệu và công thức khác nhau tùy theo khu vực mà cách muối kimchi của mỗi gia đình cũng có chút khác nhau. Gần đây, ngày càng nhiều người mua Kimchi bán sẵn trên thị trường thay vì tự làm.

Trong Kimchi thường chứa hơn 15 thành phần nguyên liệu nên chứa rất nhiều loại vi chất dinh dưỡng như vitamin như A và C, đồng thời một lượng lớn vi khuẩn axit lactic cũng được tạo ra trong quá trình lên men. Với thành phần vi chất dinh dưỡng tuyệt vời nên Kimchi được mọi người trên thế giới yêu thích như một loại thực phẩm ăn kiêng giúp chống oxy hoá, đồng thời nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng Kimchi còn góp phần trong việc ngăn ngừa các bệnh như: ung thư, huyết áp cao, tiểu đường và viêm da dị ứng.

Ở Hàn Quốc, có "văn hóa Kimjang", đây là văn hoá nói về việc các thành viên gia đình hoặc dân làng tụ tập cùng nhau vào cuối mùa thu để muối nhiều kim chi cùng một lúc. Kimchi được muối trong ngày này được gọi là "Kimjang kimchi", đối với người Hàn Quốc, đây là một món ăn không thể thiếu trong mùa đông. Văn hóa Kimjang đã được UNESCO ghi nhận trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại vào năm 2013.

Bibimbap (Cơm trộn)

Bibimbap là món cơm trộn với các loại rau, trứng, thịt bò cùng với Kimchi và Bulgogi, món Bibimbap cũng được coi là một trong những món ăn Hàn Quốc được người nước ngoài yêu thích nhất trên toàn thế giới. Có rất nhiều loại Bibimbap khác nhau tùy theo thành phần nguyên liệu. Ngay cả ở nước ngoài, công thức làm Bibimbap cũng được thay đổi để phù hợp với đặc điểm của từng quốc gia, trở thành món ăn được ưa chuộng và đưa vào menu trên các chuyến bay. Jeonju, được mệnh danh là thành phố sáng tạo ẩm thực, tổ chức Lễ hội Bibimbap vào tháng 10 hàng năm.

Bibimbap

Bibimbap (Cơm trộn)
Đây là món cơm trộn với các loại rau, thịt bò, tương ớt.



Bulgogi

Bulgogi là món ăn dùng thịt bò được thái mỏng ướp với các loại gia vị như nước tương, nước ép lê sau đó nướng trên lửa. Món ăn này được người nước ngoài rất ưa thích nhờ sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt bùi và vị mặn. Gần đây, Bulgogi cũng thường xuyên được kết hợp với nhiều món ăn khác nhau để tạo ra các món mới như Hamburger hay Pizza nhân Bulgogi.

Bulgogi

Bulgogi
Bulgogi là món thịt bò nướng, trước khi nướng, thịt bò được thái mỏng ướp với nước tương tạo đủ vị mặn và vị ngọt.



Japchae (miến trộn)

Japchae là món ăn được chế biến bằng cách thêm rau cải bó xôi, hành tây, thịt bò vào miến luộc rồi nêm gia vị nước tương, sau đó xào lên. Đặc trưng của món này là sự kết hợp hài hòa giữa miến dai và các nguyên liệu khác nhau, đây cũng là một món không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán hoặc trong các bữa tiệc ở Hàn Quốc.

Tteok (Bánh gạo)

Đây là một món ăn được làm bằng cách nhào bột gạo nếp hoặc bột gạo tẻ rồi hấp cùng đậu đỏ, đỗ xanh. Món này vừa dai vừa ngọt nên đây là một trong những một món ăn nhẹ được người Hàn ưa thích nhất. Người Hàn Quốc đôi khi cũng làm bánh Tteok vào những ngày lễ tết hoặc sự kiện đặc biệt. Vào dịp Tết Nguyên Đán, ngày 1 tháng 1 âm lịch, người Hàn Quốc thường ăn canh Tteokguk một loại canh có bánh gạo trắng đã được thái mỏng luộc chín trước, sau đó cho vào nước dùng thành canh, tượng trưng cho việc thêm một tuổi vào năm mới. Ngoài ra, trong dịp Trung thu, người Hàn Quốc còn làm Songpyeon (bánh trung thu Hàn Quốc) bằng cách cán mỏng bột gạo rồi hấp với nhân (mật ong, hạt dẻ, đậu, hạt vừng) và Baekseolgi (bánh gạo hấp) vào ngày sinh nhật đầu tiên của em bé mang ý nghĩa cầu trường thọ.

Sirutteok (Steamed rice cake) is a type of small rice cake made by kneading glutinous rice powder with hot water, shaping the dough into balls, boiling them in hot water, and coating them with powder such as bean or sesame seed powder.

Sirutteok (bánh gạo hấp)
Đây là một loại Tteok (bánh gạo) được làm bằng cách đem đặt bột vào một cái nồi đất và hấp chín nó bằng hơi nước. Đây là loại bánh gạo truyền thống tiêu biểu được phục vụ trong nhiều sự kiện khác nhau như các bữa tiệc hay các dịp giỗ chạp, lễ tết. Ngày nay, ngoài các thành phần chính, nhiều thành phần khác nhau cũng được thêm vào, hình dạng và hương vị cũng trở nên đa dạng hơn.



Rượu

Mỗi địa phương ở Hàn Quốc đều có một loại rượu đặc trưng riêng. Các loại rượu truyền thống cao cấp nổi tiếng phải kể đến Munbaeju (rượu lê) và Songjeolju (rượu gỗ thông) của Seoul, Sanseong soju (rượu chưng cất) của vùng Gwangju thuộc tỉnh Gyeonggi-do, Hongju (rượu đỏ) và Leegangju (rượu chưng cất) của tỉnh Jeolla-do, Sogokju (rượu gạo), Insamju (rượu nhân sâm) của tỉnh Chungcheong-do, Gyodong beopju (rượu gạo), Andong soju (rượu chưng cất) của tỉnh Gyeongsang-do và Okseonju (rượu chưng cất) của tỉnh Gangwon-do. Ngoài ra còn có hơn 300 loại rượu truyền thống của các khu vực và gia tộc khác nhau.

Rượu Makgeolli, một loại rượu gạo truyền thống được làm bằng cách trộn các loại gạo, men rượu cùng nhiều nguyên liệu phụ. Đây là loại rượu phổ biến và giá cũng rẻ. Gần đây, cơn sốt Makgeolli đã bùng nổ trong giới trẻ độ tuổi 20 - 30 và Makgeolli với nhiều vị khác nhau như vị kem hoặc cà phê đang được bày bán rộng rãi ở các cửa hàng tiện lợi. Đây cũng là loại rượu rất nổi tiếng với khách du lịch nước ngoài đến thăm Hàn Quốc.

Rượu Soju là một loại rượu chưng cất được làm từ rượu đế, rượu khoai lang nó trong suốt không màu và có nồng độ cồn cao. Ban đầu, Soju được coi là một loại rượu cao cấp, nhưng với sự ra đời của rượu Soju có nồng độ cồn thấp hơn được làm bằng cách pha loãng ethanol với nước vào giữa thế kỷ 20, Soju đã trở thành một loại rượu có giá thành rẻ dành cho tầng lớp bình dân.

Makgeolli

Makgeolli (rượu gạo)
Đây là một loại rượu đặc trưng của Hàn Quốc, được làm bằng cách hấp gạo nếp, gạo tẻ, lúa mạch, bột mì rồi trộn với men rượu và nước sau đó ủ cho lên men.