"Welcome to the real world" (Xin chào mừng đến với thế giới hiện thực)
Một người đàn ông trung niên cười và nói với chàng trai trẻ trong bộ vest tươm tất cùng chiếc cà vạt khi đưa chàng trai đến với nơi này. Lời chào đón đến với thế giới hiện thực. Phía trước họ là hình ảnh đối đầu kịch liệt giữa một nhóm là các thành viên của Liên đoàn Lao động muốn quay trở lại nơi làm việc với các nhân viên của công ty.
Đây không phải là một tin tức thời sự, mà là một cảnh trong bộ phim truyền hình "Songgot" của đài JTBC mới được chiếu thời gian gần đây. Câu chuyện kể về cuộc đấu tranh của một nhóm người là nhân viên của trung tâm thương mại lớn phản kháng lại chủ lao động muốn sa thải họ bất hợp lý. Người lao động, Liên đoàn Lao động, đấu tranh là những đề tài và nội dung khá nặng nề, thường hiếm khi xuất hiện trong phim truyền hình. Tuy nhiên, "Songgot" đã đan kết các chất liệu đó, bằng cách miêu tả sinh động hình ảnh lao động và thấu hiểu hành vi con người, bộ phim đã lấy được sự cảm thông và ca tụng của khán giả.
Mặc dù lấy đề tài nặng nề, hiếm thấy trên truyền hình là quyền lợi của người lao động, nhưng bộ phim "Songgot" hội tụ đủ tính giải trí và sự hoàn thiện tác phẩm là phiên bản chuyển thể từ một webtoon (truyện tranh trực tuyến) cùng tên. Nhà sản xuất cho biết đã cố gắng để thể hiện theo đúng nguyên tác khi đưa lên màn ảnh nhỏ.
Nguyên tác của phim truyền hình phản ánh hiện thực cũng là webtoon (truyện tranh trực tuyến)
Mỗi chi tiết nhỏ, từ nhân vật đến lời thoại trong phim đều được thể hiện trung thành với nguyên tác truyện tranh. Bộ phim "Songgot" là tác phẩm được chuyển thể từ truyện tranh trực tuyến cùng tên do tác giả Choi Gyu Seok đăng trên chuyên mục webtoon (truyện tranh trực tuyến) của Naver đều đặn thứ ba hàng tuần từ tháng 12/2013. Đánh giá của độc giả luôn duy trì ở mức 9,9 trên tổng điểm tuyệt đối là 10 điểm. Đạt giải thưởng của Chủ tịch Hội tác giả truyện tranh Hàn Quốc năm 2014, kể từ khi được ra mắt "Songgot" là bộ truyện tranh được đón nhận cả về phản ứng độc giả và mặt phê bình. Nhà sản xuất không có suy nghĩ vượt qua nguyên tác và cho biết mục tiêu khi thực hiện chuyển thể là chuyển tải nguyên tác lên màn ảnh nhỏ ở mức có thể mà không làm mất đi sức mạnh của "Songgot".
"Songgot" không phải bộ phim truyền hình chuyển thể từ nguyên tác truyện tranh trực tuyến đầu tiên. Chỉ tính riêng năm nay đã có 6 bộ phim được phát sóng dựa trên tác phẩm truyện tranh. Đó là phim hài "Cô gái nhìn thấy mùi", bộ phim giả tưởng có ma ca rồng xuất hiện ở thời Joseon "Môn sinh bước đi trong đêm", bộ phim hài tình cảm "Tình yêu của Hogu". Bộ phim "Miếng phô mai trong bẫy" ngay từ khi còn là tác phẩm truyện tranh mới được đưa lên mạng đã được đồn đoán rằng sẽ được chuyển thể thành phiên bản truyền hình, phiên bản điện ảnh, cuối cùng cũng được làm thành phiên bản chiếu trên màn ảnh nhỏ và sẽ được phát sóng vào đầu năm tới. Mới chỉ cách đây hơn 10 năm, ngành truyện tranh Hàn Quốc còn bị dồn vào mối nguy lụi tàn bởi sự phát triển của mạng trực tuyến và sự tràn lan các bản sao chép lậu thì thành công này quả thực là cuộc lội ngược dòng đáng kinh ngạc.
Sự kinh ngạc đó đương nhiên là nhờ vào phát hành trực tuyến và phương tiện truyền thông mới.
Truyện tranh "Miếng phô mai trong bẫy" được dựng thành phim truyền hình và sẽ lên sóng vào năm tới. Khi truyện tranh trực tuyến được chuyển thể, các độc giả của phiên bản truyện tranh có thêm một thú vui nữa đó là dự đoán xem diễn viên nào sẽ phù hợp đóng vai chính.
Dòng lịch sử của truyện tranh trực tuyến
Từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000, sự gia tăng nhanh chóng số người sử dụng mạng trực tuyến tại Hàn Quốc thực ra lại không phải điều có ích cho ngành công nghiệp truyện tranh Hàn Quốc. Bởi những bản in lậu được chia sẻ đến nhiều người qua mạng trực tuyến đã gây ra khó khăn cho ngành công nghiệp này. Một số đơn vị xuất bản về sau này tuy đã thử vận dụng mạng trực tuyến cung cấp dịch vụ ở định dạng e-book, nhưng rất nhiều độc giả truyện tranh đã quen với việc tải về miễn phí một cách bất hợp pháp thì không dễ gì mà móc ví ra trả tiền để đọc truyện.
Trước đây, các tác giả truyện tranh đăng đàn thông qua tạp chí truyện tranh của nhà xuất bản hoặc học việc từ tác giả nổi tiếng, tích luỹ kinh nghiệm và rồi ra mắt chính thức. Tuy nhiên các tác giả theo phương thức mới là tự đăng tải tác phẩm của mình lên trang cá nhân đã bắt đầu xuất hiện, thu hút sự quan tâm của công chúng. Kang Pool là một trường hợp tiêu biểu cho dòng tác giả này. Mỗi tác phẩm truyện tranh của Kang Pool được ra mắt như "Xin chào cô bạn", "Chàng ngốc", "Hàng xóm" đều được chuyển thể thành phim điện ảnh. Kang Pool được chọn là một trong số các tác giả truyện tranh trực tuyến thành công nhất với xuất phát điểm là tác giả không chuyên tự đăng tác phẩm lên trang cá nhân.
"Xin chào cô bạn" (2008) và "Hàng xóm" (2012) là hai tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh của tác giả Kang Pool. Tác giả không chuyên từng đưa sáng tác lên trang cá nhân này là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của ngành công nghiệp truyện tranh Hàn Quốc.
Cùng với sự xuất hiện của các tác giả trực tuyến như thế này, hình thức của truyện tranh trực tuyến cũng thay đổi. Các tác phẩm thời kỳ đầu đã không thoát khỏi khuôn khổ của truyện tranh chuyển trang từ trái sang phải, chỉ khác là không phải bằng giấy in. Tuy nhiên, các tác giả không chuyên đã cải tiến thành hình thức đăng tải tác phẩm ở định dạng hình ảnh và đọc trang tiếp theo bằng cách kéo xuống chứ không phải lật giở trang.
Những tác giả vốn sáng tác truyện tranh bản in cũng bắt đầu dịch chuyển sang lãnh địa trực tuyến. Các trang mạng có tiềm lực kinh tế và lượng truy cập lớn đã nhanh nhạy dự đoán được sự thành công của truyện tranh trực tuyến, thu hút các tác giả ngôi sao bằng hợp đồng độc quyền, đồng thời mở cánh cửa hoạt động cho các tác giả không chuyên được đăng bài và tạo cơ hội đọc miễn phí cho độc giả. Từ đây, một từ mới được gọi tên tại Hàn Quốc để chỉ truyện tranh trực tuyến là "webtoon".
Truyện tranh "bay lên" theo điện thoại thông minh
Truyện tranh trực tuyến vốn có xu thế tăng trưởng ổn định đã phát triển thành ngành công nghiệp lớn mạnh nhờ vào sự phổ cập của điện thoại thông minh. Các ứng dụng đưa ra các bộ truyện khác nhau theo ngày đã trở thành tiêu chuẩn. Thể loại truyện cũng đa dạng hơn, không chỉ hài hước mà còn mở rộng ra kinh dị, lãng mạn, kịch tính và thậm chí là giả tưởng. Truyện tranh trực tuyến có cốt truyện tăng lên thì một cách tự nhiên những tác phẩm nổi tiếng cũng đã thu hút các nhà làm phim truyền hình và điện ảnh.
Truyện tranh trực tuyến từ chỗ chỉ là sản phẩm giải trí có vai trò tiêu khiển cho người đọc giờ đây đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất cho truyền hình, điện ảnh và cả trò chơi video. Sự thành công của truyện tranh trực tuyến cũng đã sản xuất ra thể loại phái sinh gọi là "tiểu thuyết mạng" xoay quanh thể loại tiểu thuyết. Truyện tranh trực tuyến sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa.
Bài: Chang You-chung, phóng viên Korea.net
Ảnh: JTBC, tvN, Naver Webtoon, Line Webtoon
icchang@korea.kr
Truyện tranh trực tuyến Hàn Quốc có thể đọc bằng ngôn ngữ khác
Độc giả có thể đọc một số tác phẩm truyện tranh trực tuyến Hàn Quốc bằng ngôn ngữ khác.
"Line Webtoon" cung cấp khoảng 300 truyện tranh Hàn Quốc bằng 5 thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, tiếng Trung. Độc giả có thể đọc truyện tranh Hàn Quốc trên Line Webtoon nhờ vào đội ngũ dịch giả không chuyên trên thế giới. Hầu hết các tác phẩm này cũng là miễn phí cho người đọc như ở Hàn Quốc.
Truyện tranh trực tuyến Hàn Quốc có thể đọc bằng 5 ngôn ngữ trên "Line Webtoon". Hệ thống đăng tải theo ngày cũng được chuyển theo tương tự như bản gốc.
Trang tapastic.com của Mỹ cũng đã đăng một số truyện tranh của Hàn Quốc bằng tiếng Anh, trong đó có truyện "Mùa của Su".
Độc giả Trung Quốc cũng có thể đọc truyện tranh Hàn Quốc bằng tiếng Trung qua các trang của Trung Quốc như QQ.com. Bộ truyện kinh dị "0.0MHz" đã nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ độc giả Trung Quốc.
Một trang mạng khác cung cấp truyện tranh trực tuyến Hàn Quốc bằng tiếng Nhật, đó là lezhin.com/jp.