ĐÓN NĂM MỚI VỚI TẾT TRUYỀN THỐNG HÀN QUỐC
Tết âm lịch, ngày lễ truyền thống lớn nhất của người Hàn Quốc đang tới gần. Một năm mới bắt đầu bằng ngày 1/1 dương lịch song Tết âm lịch có ý nghĩa lớn hơn đối với người Hàn Quốc. Được biết ngày Tết của Hàn Quốc bắt nguồn từ ước muốn trong buổi sáng đầu năm của người Hàn Quốc mong được đón nhận một năm mới sắp tới bình an, sau khi một năm cũ vừa trôi qua. Đây là thời điểm người dân Hàn Quốc trở về bên gia đình thân yêu, tụ họp với những người họ hàng thân thuộc để cùng chia sẻ những khoảnh khắc ấm áp.
Kỳ nghỉ Tết âm lịch năm nay của Hàn Quốc kéo dài 3 ngày kể từ ngày 9 đến ngày 11/2. Vào ngày trước và ngày đầu tiên của kỳ nghỉ này, dòng người Hàn Quốc tấp nập trong chuyến hồi hương của mình. Để trở về với gia đình trong dịp Tết, người dân Hàn Quốc thường phải đặt vé tàu hỏa hay xe buýt cao tốc từ trước đó cả tháng trời.
Sau khi cả gia đình đã tụ họp đông đủ, tất cả sẽ cùng làm nghi lễ cúng tổ tiên rồi cùng tham gia những trò chơi dân gian truyền thống như Yut nori, thả diều, đá cầu, nhảy bập bênh…
Vào ngày Tết, người dân Hàn Quốc chuẩn bị canh bánh tteok hay tteokguk, các món rau, hoa quả… để dâng lên cúng tổ tiên. Nghi thức cúng lễ này được thực hiện vào những ngày lễ chính, thông qua việc dâng lên những món ăn thờ cúng, thể hiện sự sùng bái và mong muốn báo đáp công ơn của tổ tiên. Sau nghi thức thờ cúng, mọi người cùng chia nhau ăn những món ăn đã cúng và tin rằng nhờ ăn những “lộc” này mà cũng sẽ được hưởng phúc từ tổ tiên.
Các em nhỏ trong những bộ Hanbok truyền thống sặc sỡ đang chúc mừng năm mới các bậc bề trên và cung kính thực hiện nghi thức Sebae. (Ảnh: Yonhap News)
Tiếp theo nghi thức thờ cúng là nghi thức truyền thống khác của người dân Hàn Quốc, nghi thức vái lạy, tức Sebae. Đây được coi là lời chào đầu năm mới, khi người trẻ tuổi vái lạy trước hết là ông bà, bố mẹ mình, sau đó là những bậc bề trên khác và chúc họ may mắn (bok). Đáp lại sự cung kính của lớp con cháu, những người lớn tuổi sẽ mừng tuổi và chúc lại những điều tốt đẹp nhất. Đó là những lời chúc về một năm mới kiếm được nhiều tiền, cầu gì được nấy…
Các em nhỏ trong những bộ đồ truyền thống đón Tết đang ăn canh bánh gạo, món ăn tiêu biểu ngày Tết Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap News)
Sau nghi thức Sebae, tất cả mọi người hạ các món ăn trên bàn thờ tổ tiên xuống và cùng thưởng thức. Trong các món ăn thờ cúng ngày Tết này, canh bánh gạo tteokguk là món ăn tiêu biểu nhất. Những chiếc bánh gạo (tteok) dài màu trắng được cắt đều rồi nấu canh, chứa đựng hy vọng sức khỏe dồi dào cùng nhiều may mắn. Tại Hàn Quốc có truyền thống rằng khi ăn một bát canh bánh gạo thì bạn đã nhiều thêm một tuổi. Và tùy từng vùng mà canh màn thầu được dùng thay canh bánh gạo. Trong ngày lễ lớn nhất Hàn Quốc, các gia đình tại đây cũng chuẩn bị nhiều món ăn đa dạng của nước này. Những đồ ăn truyền thống như bánh gạo, bò nướng bulgogi, sườn nướng, nước gạo xay… đều không được bỏ qua. Vì không thể chiến thắng sự hấp dẫn của bàn ăn phong phú ngày Tết mà không ít người Hàn Quốc cứ ăn “thả phanh” cùng gia đình để rồi phải bắt đầu chế độ ăn kiêng sau dịp lễ.
Thưởng thức những món ăn ngon lành xong, người dân Hàn Quốc cùng nhau vui vẻ với những trò chơi truyền thống. Để chơi Yut nori, người chơi di chuyển quân của mình theo kết quả tung 4 thanh Yut, cứ thế cho đến khi về đích. Đầu tiên, người chơi sẽ tung 4 thanh Yut làm bằng gỗ. Nếu kết quả có một thanh ngửa mặt phẳng lên trên thì gọi là “do”, hai thanh là “gae”, 3 thanh là “geol” còn 4 thanh là “yut”. Nếu cả 4 thanh ngửa mặt hình bán nguyệt lên trên thì gọi là “mo”. “Do”, “gae”, “geol”, “yut” và “mo” lần lượt tượng trưng cho 5 loài vật là lợn, chó, dê, bò và ngựa.
Vào ngày Tết truyền thống có thể bắt gặp quang cảnh người Hàn mặc Hanbok và chơi các trò chơi dân gian ở khắp nơi. Trong hình trên, các em nhỏ đang thích thú chơi Yut nori. (Ảnh: Yonhap News).
Ngoài Yut nori, các trò chơi dân gian tiêu biểu ngày Tết Hàn Quốc còn có trò đá cầu, thả diều, nhảy bập bênh…
Trong suốt kỳ nghỉ lễ, tại các thành phố lớn của Hàn Quốc như Seoul, Busan, Daegu… đều tổ chức nhiều hoạt động đa dạng tại trung tâm thành phố, tạo nên bầu không khí đậm chất lễ hội tại đây. Trong hai ngày 10, 11/2 vừa qua, các cung điện ở Seoul như Kyungbok, Changduk, Duksoo đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống Hàn Quốc như trải nghiệm nghi thức Sebae… Đặc biệt, đến với Viện bảo tàng dân tộc quốc gia Hàn Quốc ở phía đông cung Kyungbok, du khách có thể trực tiếp tham gia các trò chơi truyền thống như đá cầu… cũng như được tận mắt chứng kiến di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc đã được UNESCO công nhận là nghệ thuật săn bằng chim ưng. Để biết thêm thông tin chi tiết về các hoạt động lễ Tết đa dạng tại Hàn Quốc, vui lòng truy cập trang web sau: http://www.korea.net/NewsFocus/Culture/view?articleId=105390.
Phóng viên Son Ji Ae jiae5853@korea.kr
Theo Korea.net
- File đính kèm